Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Ung thư ở nước ta: Trầm trọng tới mức nào?

Ung thư đang tấn công người Việt rất mạnh mẽ, những nhiều người vẫn chưa hình dung được mức độ trầm trọng và nguy hiểm của bệnh ung thư ở nước ta
Ngày nay, ra ngõ thì gặp bệnh nhân ung thư… Câu nói đó quá đúng và một sự thật không thể chối cãi là số lượng bệnh nhân ung thư gia tăng mỗi ngày.
Tuy nhiên Việt Nam không phải là nơi có tỉ lệ ung thư mới mắc cao. Một số bài báo mạng đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, làm hoang mang dư luận bằng những thông tin cho biết Việt Nam thuộc top 2 thế giới về tỉ lệ mắc ung thư, bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nhiều nhất thế giới, tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao nhất thế giới…
Các số liệu dùng để so sánh được trích từ Globocan, một dự án của Tổ chức Y tế thế giới (IARC/WHO) thống kê các số liệu về ung thư trên toàn cầu, cụ thể từ 184 nước. Do quy mô của nó, Globocan chỉ cung cấp số liệu cập nhật sau vài năm, gần đây nhất là từ năm 2012.
Trên thực tế, việc nhận định Việt Nam thuộc top 2 mắc ung thư là một sự ngộ nhận khá nghiêm trọng. Theo Globocan 2012, ở Việt Nam tỉ lệ bệnh ung thư đã loại trừ nhóm ung thư da không melanoma (1) (đã chuẩn hóa theo tuổi và trên cả hai giới) là 140,4, xếp 106/184 nước được khảo sát. Con số này thể hiện trên bản đồ ung thư thế giới là thuộc nhóm 3 (137,5 – 172,3 ca/100.000 dân).
Sự ngộ nhận nói trên xuất phát từ việc nhập nhằng giữa tỉ lệ mắc mới và tỉ lệ tử vong do ung thư. Cũng theo Globocan 2012, ở Việt Nam tỉ lệ tử vong do ung thư là 108,7/100.000 dân, xếp thứ 49 trong 184 nước, thuộc nhóm 2 (99,6 – 116,8 ca/100.000 dân).
Sự nhầm lẫn này có ý nghĩa khá quan trọng. Nếu quả thật nước ta có tỉ lệ mắc bệnh mới cao, có nghĩa là cần chú ý tầm soát các yếu tố rủi ro gây ung thư, các chương trình dự phòng ung thư và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngược lại nếu tỉ lệ tử vong cao, đó là hậu quả của việc phát hiện bệnh trễ và khả năng điều trị tận gốc quá thấp. Trong hai trường hợp, trọng tâm đối phó của ngành y tế sẽ hoàn toàn khác biệt.
Thực tế thời gian vừa qua, vấn đề thông tin và tuyên truyền phòng chống ung thư đã bị lệch lạc. Thay vì nhấn mạnh việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư để cải thiện thời gian sống và tỉ lệ tử vong, chúng ta đang tập trung vào vấn đề thực phẩm bẩn như là nhân tố làm bùng phát ung thư, một hiện tượng chưa được chứng minh.
Một vấn đề khác cũng làm sai lệch nhận thức về bệnh ung thư ở nước ta là cách dùng từ “top 2”. Nhóm 2 hoàn toàn khác với “top 2”. Việc dùng từ “top 2” làm người ta nghĩ rằng tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đứng thứ hai thế giới (thật ra là 106/184).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét